Thứ Bảy, 24 tháng 3, 2012

Thuốc quý từ lộc nhung

Trong 4 vị thuốc bổ đứng đầu Ðông y (sâm, nhung, quế, phụ), nhung là vị thuốc quý và chỉ có hiệu quả dược lý cao nhất khi chế biến đúng cách. Để lộc nhung sau khi cắt khô mà không nứt, không gây độc cho người dùng, cần tuân thủ các kỹ thuật cắt và sao tẩm khoa học được dân gian áp dụng từ lâu.

 
 
Nhung hươu (hay lộc nhung - Cornu cervi parvum) là sừng non mới mọc của hươu sao đực (Cervus nippon Temminck, họ hươu nai Cervidae), mặt ngoài phủ đầy lông tơ màu nâu nhạt và mịn như nhung, trong có nhiều mạch máu rất mọng. Nếu nhung mới nhú lên 2 đoạn ngắn, chưa phân nhánh thì gọi là nhung huyết, được xem là quí nhất. Sau khi mọc được khoảng 60-65 ngày thì nhú ra một đầu nhánh nên bên ngắn bên dài, gọi là nhung yên ngựa.

Về mặt sinh học, hươu đực có bộ sừng hàng năm mọc mới và rụng đi diễn ra theo thời gian nhất định trong năm. Có thể chia thời gian mọc sừng làm 2 giai đoạn:

- Giai đoạn sừng non, còn gọi là lộc, từ lúc nhú lộc đến lúc lộc được khoảng 2 tháng. Ðây là giai đoạn khai thác làm thuốc.

- Giai đoạn sừng hóa và già, từ sau 2 tháng đến khi rụng sừng.

Thu hoạch và chế biến
Nên dùng cưa thật bén làm bằng thép không rỉ để cưa lộc, cưa ở chỗ cách đế nhung khoảng 3cm. Cố gắng để máu chảy càng ít càng tốt. Sau khi cưa xong, có thể dùng mực tàu trộn đều với bột than gỗ mịn bôi vào chỗ cắt để cầm máu. Dùng gạc hoặc vải thường thật sạch bọc lại để tránh ruồi đậu vào sinh giòi bọ.

Nguyên tắc chế biến nhung là làm khô nhung mà không bị nứt, không chảy mất máu, không cháy, không thối. Sau khi cắt xong, không khép mặt cắt lại, treo lên bếp than, vẩy nước nóng vừa phải, quay trở lên để khô dần dần, như vậy nhung sẽ không bị nứt. Sấy liên tục 3-4 ngày đêm cho khô hẳn, đến khi cầm 2 chiếc nhung gõ vào nhau kêu giòn là được. Cũng có thể sấy đến khi khô thì lấy dao thật sắc thái ra rồi tiếp tục sao nhỏ lửa cho khô hẳn.

Một cách sơ chế khác là tẩm rượu vào lộc rồi sấy khô. Làm nhiều lần cho đến khi khô kiệt là được. Nếu làm không cẩn thận, lộc có thể bị nứt, chảy máu, kém giá trị.

Thường việc sơ chế lộc đòi hỏi 2-3 ngày. Một cặp lộc nặng trung bình 800g, khi khô chỉ còn khoảng 250g. Trước khi dùng phải bỏ hết lông bằng cách nung một dùi sắt đỏ lăn xung quanh để lông cháy hết.

Bảo quản trong chai lọ hoặc hộp kín có chất bảo quản.

Dược tính của lộc nhung
Hải Thượng Lãn Ông trong sách
Dược phẩm vận yếu đã viết: ''Lộc nhung dùng bổ tinh huyết nguyên dương nhanh hơn, chủ về tiểu tiện đi luôn mà lợi, tinh tiết, đi tiểu ra huyết, đau lưng, chân và đầu gối thiếu sức lực, mộng tinh, di tinh. Có tác dụng làm đầy tinh huyết, mạnh nguyên dương, nhuận phế kim, rất bổ cho người gầy yếu, cứng gân, chứng hư lao, phụ nữ băng huyết, rong huyết. Bởi tính con hươu đa dâm nên chuyên chủ về tráng dương bổ thận. Lại nói: trị chứng xích bạch đới, tan lâm lậu đá sỏi, ung độc sưng đau, nhiệt trong xương sinh âm hư, là vị thuốc cốt yếu để bổ huyết cũ sinh huyết mới".

Theo Ðông y, lộc nhung có vị ngọt, tính ôn, vào các kinh can, thận, tâm và tâm bào, được dùng trong mọi trường hợp hư tổn của cơ thể, nam giới hư lao, tinh kém, hoa mắt, hoạt tinh; nữ giới băng lậu, đới hạ.

Ở Nga, người ta đã chiết xuất một chất nội tiết gọi là "lộc nhung tinh" Pantocrin, chế ra Pantocrin dạng dung dịch nước 30-50ml trong 1 chai hoặc thuốc tiêm vào ống 1ml.

Nhung của hươu nào tốt?
Nhung hươu sao thuộc loại tốt nhất trong những loại nhung của các loài hươu nai. Theo Tây y, nó có tác dụng tốt trong việc bồi bổ sức khỏe, nâng cao thể lực và điều trị các bệnh về thần kinh, tim mạch, tiêu hóa, bài tiết, sinh dục, hàn gắn các vết thương bên trong cơ thể. Có tác dụng tốt đối với toàn thân, nâng cao năng lực làm việc, giúp ăn ngủ tốt hơn, giảm hiện tượng mệt mỏi, lợi niệu, tăng nhu động ruột và dạ dày, ảnh hưởng tốt đến quá trình chuyển hóa các chất protein và glucid. Chú ý không nên dùng cho người có tiền căn cao huyết áp, tiêu chảy, hẹp van tim, viêm thận...

Thường người ta lấy nhung ở những con hươu, nai sống hoang dã do săn bắn được (loại này được coi là quí và đắt nhất). Tuy nhiên vì nhu cầu về nhung nai ngày càng cao trong khi nguồn hươu nai tự nhiên cạn kiệt dần (hoặc có khi săn bắn không đúng lúc nhung đúng tuổi khai thác) nên người ta đã nuôi hươu để lấy nhung và chứng minh nhung của hươu nuôi cũng tốt không kém hươu sống hoang dã. Ðiều này đã góp phần quan trọng trong việc tìm lối ra cho nhu cầu lộc nhung ngày càng tăng của con người, đồng thời bảo vệ được nguồn hươu nai hoang dã không bị tuyệt chủng do săn bắn.

Tuy ở Việt Nam việc nuôi hươu chưa phổ biến nhưng cũng đã xuất hiện ở các vùng Hương Sơn - Hà Tĩnh, Quỳnh Lưu - Nghệ An, một số nơi ở Tây Nguyên, vườn quốc gia Cúc Phương, đảo Cát Bà, An Giang... Chưa kể lộc, hươu ở những nơi này còn cung cấp nhiều sản phẩm khác như thịt, sữa, da, lông và các phụ phẩm chế biến.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét